Số người mắc ung thư ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong 30 năm

Năm 2020, tỷ suất mắc mới và tử vong do ung thư của Việt Nam xếp thứ 91 và 50 trên tổng số 185 nước, tăng nhiều so với 2 năm trước đó.
Số ca mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng gấp 3 lần trong 30 năm (1990-2020). Ước tính cả nước hiện có khoảng 353.000 người sống chung với ung thư. Thứ hạng về tỷ suất mắc mới và tử vong do ung thư của Việt Nam cũng ngày càng tăng. Nếu năm 2018, tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 99 trên 185 nước thì sau hai năm vị trí này tăng lên 91. Tương tự với tỷ suất tử vong, từ thứ 56 lên 50.
Đây là những con số đáng báo động do Tiến sĩ Lê Công Định, Phụ trách khoa Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông – Tây y trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư, do Hội Đông y Việt Nam tổ chức, ngày 20/12.
Theo các chuyên gia, một trong số các nguyên nhân khiến số ca tử vong do ung thư cao vì bệnh nhân nhận chẩn đoán muộn, tức là được phát hiện muộn. Theo thống kê, tỷ lệ nhận chẩn đoán ở giai đoạn sớm chỉ 20-30%; tỷ lệ tử vong sau 1 năm nhận chẩn đoán là 24%.
Số ca mắc mới ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo gia tăng nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ.
Về điều trị, Việt Nam đã cập nhật nhiều phương pháp tiến bộ trong phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân và điều trị giảm nhẹ. Theo các chuyên gia tại hội nghị, sự phức tạp trong chẩn đoán và điều trị ung thư đòi hỏi sự phối hợp nhiều chuyên ngành. Vì thế, hội đồng ung bướu đa chuyên khoa (MDT) rất quan trọng, giúp quản lý toàn diện bệnh nhân.
Tại nhiều cơ sở y tế ở nước ta đã kết hợp Đông Tây y hỗ trợ, điều trị bệnh lý ung bướu. Đơn cử tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, các bác sĩ sử dụng “liệu pháp 4T” gồm: Tinh thần, tâm lý – Thực phẩm – Tập luyện và Thuốc, các phương pháp không dùng thuốc.
Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng cao
Một nghiên cứu năm 2023 tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thực hiện trên gần 500 bệnh nhân ung thư gan (loại bệnh có số ca mắc mới cao nhất trong số các bệnh ung thư), cho thấy 83% bệnh nhân lựa chọn qua đời tại nhà.
Theo bác sĩ Lê Công Định, đó là văn hóa người Á đông và Việt Nam. Tuy nhiên, khi về nhà, ai sẽ là chăm sóc họ trong khi y tế cơ sở còn hạn chế? Làm gì để bệnh nhân giảm bớt đau đớn, trong khi khả năng tiếp cận thuốc giảm đau, morphin của bệnh nhân rất khó khăn, đặc biệt ở nông thôn vẫn là câu hỏi lớn.
Liên quan đến gánh nặng ung thư và chăm sóc giảm nhẹ, theo các bác sĩ, tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh và tuổi được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh ung thư hay nhiều bệnh mãn tính khác. Do đó, nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ sẽ ngày càng tăng.
Trong khi đó, các khoa chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện công lập luôn trong tình trạng quá tải. Tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3.300 bệnh nhân nội trú, gấp 3 lần năm 2010.
Các thầy thuốc từ Hội Đông y Việt Nam, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho rằng cần giáo dục sức khỏe cho cộng đồng nhiều hơn về bệnh ung thư.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chăm sóc giảm nhẹ là các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh đe dọa tính mạng và gia đình họ bằng cách phòng ngừa, phát hiện sớm, đánh giá toàn diện, điều trị đau và các vấn đề liên quan, bao gồm thể chất, tâm lý, tinh thần.
Bác sĩ Định cho hay trước đây, nhiều người hiểu sai khi chăm sóc giảm nhẹ chỉ giành cho bệnh nhân giai đoạn cuối, không thể can thiệp điều trị hơn. Theo quan điểm hiện đại, việc chăm sóc giảm nhẹ một cách toàn diện được tiếp cận sớm hơn, ngay khi bệnh nhân nhận chẩn đoán, trong quá trình điều trị, chăm sóc cuối đời, chăm sóc cận tử. Hơn nữa, đối tượng được chăm sóc giảm nhẹ không chỉ bệnh nhân mà thực hiện cho cả gia đình, thân nhân của họ.
Nguồn: Việt Nam Net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *