Số ca ung thư mới tại Bệnh viện Ung bướu tăng hơn 50%

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân ung thư tới khám và điều trị hằng năm khoảng hơn 20.000 ca mới, nhưng chỉ đến tháng 11-2023, Bệnh viện Ung bướu đã tiếp nhận 30.000 ca ung thư mới.
Ngày 7-12, tại hội thảo hằng năm phòng chống ung thư TP.HCM, ông Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội và nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tỉ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng.
Năm 2023, Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận hơn 30.000 ca ung thư mới
Theo Globoca, năm 2020 Việt Nam có khoảng 182.563 ca mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân ung thư tới khám và điều trị hằng năm khoảng hơn 20.000 ca mới, nhưng chỉ đến tháng 11-2023, Bệnh viện Ung bướu đã tiếp nhận 30.000 ca ung thư mới.
“Tại TP.HCM, dù cần theo dõi và có thêm những nghiên cứu nhưng đã có những chứng cứ cho thấy khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư có độ tuổi trẻ hơn như ung thư vú, ung thư đại tràng. Một số ung thư có xuất độ tăng như ung thư giáp, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến”, TS Phạm Xuân Dũng cho hay.
Với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên một số bệnh lý ung thư đã được phát hiện sớm và cho kết quả điều trị tốt hơn, ông Xuân Dũng báo thêm thông tin vui này.
Đề cập nguyên nhân số ca ung thư tăng, ông Dũng cũng cho rằng dịch COVID-19 cũng là một trong những nguyên nhân làm số ca ung thư mới đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu tăng cao trong năm 2023.
Số người mắc ung thư tăng nhanh trong 20 năm tới
Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dự báo: “Số người mắc ung thư dự kiến gia tăng nhanh trong vòng 20 năm tới. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước”.
Vì vậy, ông Thuấn nhận định hội thảo sẽ có những thông tin khoa học quý báu, giúp chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới… vào công tác điều trị và phòng, chống ung thư ở nước ta.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về phòng chống chống ung thư, đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư…
Kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tham gia bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bởi bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ đáng kể cho người dân nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
Cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư để thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị cho người dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu…
Ngoài ra, cần nghiên cứu, phối hợp xây dựng kế hoạch, mô hình phòng ung thư phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tích cực hợp tác trao đổi, tham vấn với các chuyên gia và những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Cần quyết liệt hơn nữa trong quản lý thông tin và chuyển đổi số, áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán sớm và điều trị ung thư,…
Từ hội thảo này, các chuyên gia đưa ra các kỹ thuật, phương pháp, phác đồ và thuốc điều trị… phù hợp với điều kiện và đặc điểm của Việt Nam. Từ đó, tham mưu Bộ Y tế ban hành và đưa vào danh mục các kỹ thuật, các thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân ung thư…
Hội thảo hằng năm phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 26 đã có 1.700 đại biểu tham dự và có 150 đề tài được chọn báo cáo. Hội thảo là diễn đàn thu hút sự quan tâm của ngành ung thư cả nước.
Hội thảo có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 18 chuyên gia từ nước ngoài như Nhật Bản, Nga, Canada, Bỉ, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Anh… Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư đã giảm 50% ở tất cả các quốc gia.
Nguồn: Tuổi Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *